Sự thật của việc ” Ăn thịt chó giải đen” với văn hóa ẩm thực Việt?
Có chăng sự thay đổi lớn nhất sẽ là chúng ta cần nâng cao ý thức, yêu thương, chăm sóc, bảo vệ loài động vật này nhiều hơn. Điều đó vẫn phụ thuộc vào mỗi người trong chúng ta.
Thịt chó xưa và nay đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc của người Việt, một món ăn không chỉ mang ý nghĩa về mặt ẩm thực mà còn mang lại những giá trị tinh thần không thể thiếu.
Và mặc dù mang nhiều ý nghĩa đậm chất như thế, nhưng không phải ai cũng biết và hiểu rõ về nguồn gốc xuất xứ cũng như những câu chuyện xung quanh món ăn đậm chất “Á châu” này. Bởi đơn giản, mọi người coi việc “thịt chó giải xui” vào dịp cuối tháng hay cuối năm như một “thói quen” và là việc “thường ngày ở huyện”.
Thịt chó xuất xứ từ đâu?
Món thịt chó tương truyền xuất phát từ Trung Quốc vào khoảng 500 năm trước công nguyên và được coi là một trong những món ăn bổ dưỡng trong mùa đông giá lạnh, xua đuổi tà ma và những điều không may. Món “thịt chó” vô cùng phổ biến tại khu vực địa phận Quảng Đông và Quảng Tây Trung Quốc, cận kề với biên giới phía bắc Việt Nam.
Theo cố Giáo sư Trần Quốc Vượng, cội nguồn ăn thịt chó bắt đầu từ lễ hiến tế chó trong tín ngưỡng dân gian. Người ăn đầu tiên là thầy cúng, thầy phù thủy mà cũng chỉ ăn lén, ăn vào lúc tối trời, đêm hôm. Do mặc cảm tội lỗi xưa nay chẳng ai nói toạc ra là ăn thịt chó. Do kiêng kỵ nên người ta nói chệch là ăn thịt cầy, mộc tồn (“cây còn” nói lái của “con cầy”)
Ban đầu, món thịt chó chỉ được phục vụ trong nạn đói khi con người cạn kiệt lương thực, nhưng dần về sau vị ngon của món ẩm thực này đã được nhân rộng và trở thành một nét ẩm thực của người dân vùng Đông Nam Á nói chung và đặc biệt là người Việt nói riêng. Một lý do khác để coi việc thịt chó trở thành món ăn vô cùng phổ biến có thể là vì mọi người ăn để nhớ lại quãng thời gian khó khăn đã qua.
Những quan niệm và tín ngưỡng xung quanh việc “ăn thịt chó giải xui”
Trong tiếng Quảng Tây, từ thịt chó được phát âm “gáu” trùng với âm của con số 9, tượng trưng cho sự trường cửu của vạn vật. Người xứ Quảng quan niệm ăn thịt chó sẽ mang lại sự trường cửu, nối dài tuổi thọ cũng như phúc lộc một đời người. Dần dần những quan niệm của người xứ Quảng được du nhập về Việt Nam và trở thành một xu hướng ẩm thực đặc sắc.
Không rõ chính xác khoảng thời gian nào và địa danh nào là nơi đầu tiên xuất hiện món “thịt chó”, thế nhưng mỗi khi nhắc đến nó, người ta thường nhớ về làng Nhật Tân ven Hồ Tây như là nơi khởi điểm cho thứ “ẩm thực” dân dã này.
Từ đó, món thịt chó được biết đến rộng rãi như một món ăn giải “xui” và đem lại những điều mới mẻ. Sau một tháng âm lịch hoặc khi kết thúc năm không như ý, người Việt thường tìm đến thịt chó để “đổi vận” và hi vọng sẽ có một thàng mới tốt đẹp, một năm gặp nhiều may mắn hơn.
Về việc bắt nguồn quan niệm “ăn thịt chó giải xui”, có lẽ từ xa xưa trong dân gian Việt, chó thường được nhắc đến như hình ảnh của một con vật mang kiếp đen đủi chịu đựng. Chính vì vậy ăn thịt chó là ăn đi những điều xui xẻo, không may mắn đã qua, người ta coi việc ăn thịt chó là vượt qua những giới hạn hay vận đen mà con người mắc phải.
Kể từ đó, thịt chó trở thành một món ăn giải “vận” trong văn hóa ẩm thực Việt. Sau này, nhiều người còn quan niệm “bảy món cầy tơ” là một phương pháp kích thích sinh sản giới tính ở nam giới, nhiều đấng mày râu muốn có “người nối dõi” cũng rất ưa chuộng món ăn này.
Một nét văn hóa
Một năm với những điều không suôn sẻ kéo dài, gây chán nản và thường khó quên với cánh mày râu, họ thường xuyên bị ám ảnh và lo lắng bởi những điều chẳng đáng có “không may mắc phải”. Chính vì thế nên quan niệm ăn thịt chó giải xui càng ngày càng trở thành phổ biến ở khu vực miền Bắc. Ban đầu chỉ là thú vui, đến thói quen rồi trở thành một nét văn hóa đặc sắc.
Bắt đầu từ những trường hợp hy hữu chưa được kiểm chứng mà chỉ nghe qua lời kể, khi người Việt ăn thịt chó ở làng Nhật Tân và gặp nhiều may mắn, được thăng quan tiến chức trong năm mới, từ đó “một đồn mười, mười đồn trăm”, thói quen ăn thịt chó dần dần được nhân rộng trong văn hóa người Việt.
Nhưng nếu chỉ mãi nói về những điều “may mắn” hay thuận lợi mơ hồ mà khi ăn thịt chó giải xui con người nhận được thì cũng sẽ là thiếu sót, không đủ bởi chính sự ấn tượng hương vị những món được chế biến từ thịt chó mang lại mới quan trọng, mới khiến mọi người “say mê” món ẩm thực này.
Một điều thú vị đặc biệt là có nhiều người dân xa xưa quan niệm rằng 7 món thịt chó của văn hóa Việt tượng trưng cho 7 cửa ải của địa ngục và khi qua đời con người ta sẽ bị cho vào vạc dầu lên chảo lửa v.v… Việc vượt qua 7 tầng địa ngục khổ ải trở thành một kỳ tích đem tới cánh cửa ánh sáng cho con người, trải qua một năm không mấy thuận lợi, tất nhiên ai cũng muốn đi nốt quãng đường còn lại băng qua những đen đủi, xui xẻo còn sót lại, chính vì thế không có gì khó hiểu khi thịt chó trở thành món ăn được ưa thích mỗi dịp cuối năm đến.
Thói quen dân dã và những quan điểm thời hiện đại
Và mặc dù “thói quen” đã có từ rất lâu đời, món “ẩm thực” rất được ưa chuộng mỗi đợt năm hết, Tết đến này lại gặp nhiều sự phản đối ở thời điểm hiện tại, khi cuộc sống con người trở nên ngày càng được “thỏa mãn” nhiều hơn bởi những điều hay ho, thú vị khác, những món “ẩm thực” mới lạ khác, và nhận thức của mỗi người trước việc “ăn thịt” con vật cũng khác, nhất là đối với loài vật trung thành, thân thiện với con người như vậy.
Không phải ngẫu nhiên, chó được trở thành loài vật nuôi đáng tin cậy nhất của loài người trong hàng nghìn năm qua. Với bản tính gan dạ và trung thành những chú chó luôn là “người bạn” đồng hành cùng con người vượt qua không biết bao sự thăng trầm. Và đối với nhiều quốc gia khác trên thế giới, chó còn được coi như là một loài vật linh thiêng được cử đến để giúp sức, hỗ trợ và bảo vệ cho loài người.
Các nhà khoa học cũng đã chứng minh rằng chó là loài vật có xúc cảm đặc biệt với con người, thường xuyên gần gũi, an ủi con người khi họ lâm vào trạng thái không vui hay buồn tủi. Theo nghiên cứu của tiến sĩ Deborah Custance, đại học London, chó thường có những biểu hiện tình cảm với chủ khi được thuần hóa trong môi trường của loài người.
Một trong những chú chó nổi tiếng nhất trên thế giới Hachiko, đã từng được lấy hình tượng để dựng thành phim vô cùng cảm động, đã tưởng nhớ tới chủ nhân của mình là ông Ueno tận 10 năm kể từ khi ông qua đời, hàng ngày chú chó vẫn đến sân ga quen thuộc và chờ đợi người chủ của mình mặc dù mưa lạnh bão tuyết.
Lời kết
Thật khó để có thể đứng nghiêng về một phía nào trong cuộc tranh cãi giữa việc tiếp tục giữ thói quen, nét văn hóa “ăn thịt chó giải xui” và việc đứng lên kêu gọi chấm dứt “ăn thịt chó”, bảo vệ và chăm sóc chúng như người bạn đồng hành thân thiết trong cuộc sống, điều này chắc cũng vẫn sẽ phải mất một thời gian rất dài nữa để có thể đi đến hồi kết.
Có chăng sự thay đổi lớn nhất sẽ là chúng ta cần nâng cao ý thức, yêu thương, chăm sóc, bảo vệ loài động vật này nhiều hơn. Điều đó vẫn phụ thuộc vào mỗi người trong chúng ta.
Leave a Reply